Đòn roi phản ánh sự bất lực của bố mẹ
Những người đã từng tham gia CLB LCM đều có chung quan điểm: Bài học đầu tiên về sự hồi tưởng là bài học thấm thía nhất, xuyên suốt nhất, ám ảnh nhất đối với mỗi người. Chỉ cần bỏ ra 15 phút im lặng để quay ngược về tuổi thơ, những người làm bố làm mẹ hôm nay nhìn thấy rất rõ niềm vui, nỗi buồn, ước mong và cả những sự thất vọng thầm lặng của mình.
"Bố tôi đã từng đánh rất đau khi tôi chìa bài kiểm tra bị điểm kém cho ông xem. Từ đó, tôi sống thu mình, tìm cách đối phó để tránh những trận đòn - roi" một người mẹ trẻ hồi tưởng. Sau những giây phút có phần ngậm ngùi, chị tâm sự: "Ngay từ thời đó, tôi đã tự hứa với lòng mình rằng, sau này có con, tôi sẽ không dùng đến đòn roi".
Tuy nhiên, khi làm mẹ, chị tự phá vỡ quy ước của chính mình. áp lực công việc cộng với sự không nghe lời của con trẻ đã khiến đầu chị bị bốc hỏa. Đây cũng là tâm sự của phần lớn các ông bố, bà mẹ trẻ khi tham gia CLB LCM. Nhiều người đã quay mặt khóc thầm sau khi làm con đau. Nhưng họ không biết làm thế nào để thoát khỏi thói quen này.
Chị Nguyễn Thị Thơm (giáo viên trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội) hồi tưởng, “hồi nhỏ, tôi yếu ớt nên rất được bố mẹ cưng chiều. Thế nhưng, khi làm mẹ, tôi lại đánh con không ghê tay. Thậm chí còn thấy hả hê như được xả stress”.
Thơm biết mình sai lầm, nhưng điều đó không giúp cô thoát khỏi những cơn điên của bản thân. Cô xót xa nhớ lại: "Tối về, nằm nghĩ lại, tôi áy náy vô cùng. Đánh con, nhưng tôi đã tự đánh mình". Dường như có một phép màu đã bước vào cuộc đời Thơm, kể từ khi tham gia CLB LCM. Thơm chuyển biến rõ rệt sau buổi đầu tiên, khi được học cách hồi tưởng. Tốt nghiệp khóa 4, Thơm còn bàn với Ban Điều hành về quê mình ở Hải Phòng để tổ chức các CLB vào cuối tuần. Ngoài lý do nhân rộng niềm yêu thương đi muôn nơi, thì việc được học đi, học lại bằng những kinh nghiệm sống động của người khác đã giúp Thơm điều chỉnh dần hành vi của mình.
"Mưa dầm thấm lâu", Thơm đã học được cách bình tĩnh tìm hiểu nguyên nhân gây lỗi của con (phân biệt lỗi vô tình hay lỗi cố ý), và mức phạt cao nhất cũng chỉ là để con tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Đòn roi không bén mảng đến thân thể hai cậu con trai của Thơm nữa.
Học cách làm bạn với con
Đến tham dự buổi họp mặt các cựu thành viên của CLB sau hai năm triển khai, chị Huyền, một người chưa từng tham gia khóa học đặc biệt này tâm sự: "Con gái tôi đã từng là một học sinh toàn năng. Lên cấp hai, cho con vào trường chọn, lớp chọn, tôi buồn mất một tuần liền sau khi đi họp phụ huynh về. Con gái tôi đã không bằng bạn bằng bè, điều này chưa từng xảy ra khi cháu học cấp một. Tôi thực sự bị sốc, dù biết như thế là không nên".
Ngay lập tức, những cựu thành viên của CLB LCM chỉ ra sai lầm của chị Huyền: Buồn bã trong trường hợp này là không cần thiết và sẽ đặc biệt sai lầm nếu để con nhận thấy sự thất vọng của bố mẹ. Kỳ vọng quá ở con và tự gây áp lực cho mình chính là lỗi cơ bản mà chị Huyền cũng như rất nhiều bậc phụ huynh mắc phải. Lý thuyết của các bậc phụ huynh là: Càng thương con, càng phải hướng con đến một tương lai tốt đẹp nhất. Thực tế, họ đã buộc con phải học tất cả những gì mà thời trẻ họ không có cơ hội. Phụ huynh càng nhồi nhét, con cái càng bị khủng hoảng thừa. Kết quả: Không ít người bị vỡ mộng.
Được học hành tử tế, lại chăm tìm hiểu kiến thức khiến cho nhiều người nghĩ rằng họ thừa khả năng để làm mẹ tốt hơn các thế hệ đi trước. Tuy nhiên, đến với CLB, họ vẫn phải thừa nhận: Luôn luôn căng thẳng vì con. Con không nghe lời, con không chăm học, thậm chí con bỏ một bữa ăn cũng khiến đầu óc họ chẳng thể tập trung vào việc gì khác.
"Từ ngày tham gia CLB, tôi đã học được cách làm bạn với con thay vì cho mình toàn quyền quyết định đến hành vi, cuộc sống của cháu, một người mẹ ở CLB 3 tâm sự. Chị kể: Chồng đi công tác nước ngoài về, mang theo một bịch sơ ri rất to để làm quà. Ngoảnh đi ngoảnh lại, đã thấy một bãi chiến trường khủng khiếp: Nhà bẩn vô cùng vì cậu con lôi sơ ri ra, dí hết quả này sang quả khác lên nền gạch bóng loáng. Một đống tiền đi tong!
Máu nóng chảy rần rật lên mặt, bố điên tiết tét luôn vào mông cậu quý tử. Đợi vụ việc dịu lại, mẹ điều tra nguyên nhân thì cậu con thỏ thẻ: "Con đập thử xuống sàn, thấy màu đẹp lắm mẹ ạ. Màu đấy vẽ lên cái nền nhà mình nổi ơi là nổi! ". Sau khi tham gia CLB tôi biết rằng cháu đang nói đúng điều mà cháu nghĩ. Con trẻ có suy nghĩ khác mình. Nhiệm vụ của tôi là phải giải thích để cháu hiểu rằng, màu sơ ri trên nền gạch đẹp thật, nhưng đó không phải là thứ để con chơi.
Những bài học từ trái tim
"Khi con cần nói với mình, hãy cúi xuống cạnh con, để mắt con nhìn được vào mắt mẹ. Khi mình cần nói với con, hãy bế con lên cao, để mắt mình được nhìn vào mắt con". Đó là bài học về cách giao tiếp với con bằng ánh mắt mà rất nhiều thành viên của CLB LCM tâm đắc. Chị Đào Bảo Ngọc (Viện Khoa học xã hội VN) cũng đã từng tham khảo cách này qua một kênh truyền hình của Mỹ. Đây là thành viên hiếm hoi trong CLB tự tin khẳng định rằng, mình chưa phải áp dụng bất kỳ hình thức kỷ luật nào đối với con cái.
Thay vì cho mình có quyền áp đặt thì hãy học cách làm bạn với con, đó là bí quyết đơn giản nhưng vô cùng khó thực hiện đã được chị Ngọc áp dụng ngay từ khi con mới chào đời. Chị Ngọc cũng như nhiều người phải đặt ra câu hỏi: Liệu yêu cho roi cho vọt có phải là một chân lý để nuôi dạy con trẻ hay không? Cách giáo dục bằng đòn roi và uy quyền đã tước đi rất nhiều khả năng sáng tạo, phát huy cá tính của con trẻ. Lớp trẻ bây giờ mạnh mẽ, tự tin hơn xưa, có thể cũng nhờ được làm bạn với bố mẹ thay vì sống ép mình vào những khuôn khổ và chỉ tiêu thành tích mà bố mẹ áp đặt và kỳ vọng.
Việc tước bỏ hay duy trì giáo dục bằng roi vọt vẫn là vấn đề gây tranh cãi trong xã hội, thậm chí trong cả CLB LCM, nơi có slogan "Đòn roi không dạy trẻ nên người". Yêu thương mạnh hơn lời quát mắng. Không có câu trả lời đúng /sai hoàn toàn cho từng trường hợp cụ thể. Đáp án đi suốt cuộc đời mỗi người làm cha, làm mẹ chính là: Yêu thương vô điều kiện.
Trương Ngọc Lan
Câu lạc bộ Làm cha mẹ ra đời vào tháng 4/2008, do tổ chức cứu trợ trẻ em (Save the children), trung tâm nâng cao năng lực cộng đồng CECEM và website Lamchame.com tài trợ. Hiện nay, Khóa đào tạo Kỹ năng làm cha mẹ tốt cho các bậc cha mẹ thuộc địa bàn Hà Nội vào thứ 7, CN hàng tuần vẫn tiếp tục được duy trì. Học viên có thể tham gia với hai hình thức: Đóng góp tự nguyện hoặc nộp một khoản phí tạm thu. Với mức phí tạm thu, học viên được hoàn trả 100% sau khi hoàn thành khóa học.
Xin cám ơn tác giả bài viết này.
Nguồn http://www.doisongphapluat.com.vn/Story.aspx?lang=vn&zoneparent=0&zone=6&ID=6256
|